Rừng Nam Cát Tiên, khu du lịch sinh thái lý miền Ðông Nam Bộ.
Rừng Nam Cát Tiên cách thành phố Hồ Chí Minh 160km về phía Bắc. Từ thành phố, bạn theo quốc lộ 20 (đường đi Ðà Lạt) đến Km 125 (ngã ba Tân Phú) thì rẽ trái, đi thêm 24 km nữa đến bến phả, bạn vượt sông Ðồng Nai là đến ngay cửa rừng.
Nam Cát Tiên là tên gọi một vùng đất nằm gọn trong đoạn uốn khúc của sông Ðồng Nai, toạ lạc ngay trên ranh giới của cả 3 tỉnh Ðồng Nai, Bình Phước và Lâm Ðồng. Còn khu rừng cấm Nam Cát Tiên là phần chót và cao nhất của huyện Tân Phú (Ðồng Nai) có diện tích 36.000 ha, đại diện cho cả hệ thực vật và động vật Nam Bộ.
Ðây là khu du lịch sinh thái lý tưởng ở miền Ðông Nam Bộ. Từ năm 1978, Cát Tiên là khu rừng cấm và đến năm 1992, VQG Cát Tiên được thành lập với chức năng quản lý điều hành, bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn tính đa dạng sinh học. Vùng đất này còn giữ được nguyên vẹn tính tự nhiên với hệ sinh thái đa dạng, nhiều loài sinh vật rất quý hiếm có tên trong Sách Đỏ, cảnh thiên nhiên hùng vĩ, và còn lưu lại nhiều dấu tích văn hoá cổ xưa.
Cảnh quan ở đây vừa có đồi, vừa có bãi ven sông, vừa có trảng rộng lớn bằng phẳng, lại có các dòng suối chảy dốc. Vào mùa mưa các dòng suối này trở thành các dòng thác chảy xiết, tung bọt trắng xoá. Ðường đi vào rừng là con đường mòn phủ đầy lá. Nắng loang loáng trên các tán cây tầng tầng lớp lớp. Khí hậu có nét độc đáo, thoáng mát quanh năm.
Ðến đây, cán bộ kiểm lâm hướng dẫn bạn "hành quân" khám phá khu rừng nguyên sinh này. Chắc chắn bạn sẽ choáng ngợp trước rừng bằng lăng hoa tím ngát và độc đáo là cây bằng lăng cổ thụ có đến sáu ngọn. Rồi cây Tung khổng lồ cả chục người nắm tay nhau mới ôm hết, cây Thiên Tuế 400 năm tuổi xanh một màu xanh vĩnh cửu. Rồi rừng mới, rừng tre nứa, cùng hàng trăm loài hoa rừng đua nhau khoe sắc. Ði trong rừng, bạn nghe những tiếng hú lạ lùng của thú, tiếng hót lãnh lót của chim.
Vượt đường rừng khoảng chừng hai cây số, bạn sẽ đến trạm kiểm lâm, nghỉ ngơi, dùng cơm trưa tại đây. Phía sau trạm kiểm lâm là Bến Cự, một nhánh của sông Ðồng Nai. Mùa mưa, nước sông chảy xiết, nhưng mùa hè nước cạn, chỉ còn là dòng suối trong mát hiền hòa len lỏi qua vô số tảng đá giữa dòng, tha hồ cho bạn tắm lội và vui đùa.
Khu rừng có cảnh thiên nhiên đa dạng: vừa có đồi, vừa có bãi ven sông, vừa có các trảng rộng lớn bằng phẳng, lại có các dòng chảy dốc. Vào mùa mưa các dòng suối hiền lành trở thành các dòng thác, nước đổ trắng xoá trên các triền đá lớn. Nhiều đoạn thác quanh co, lượn khúc tạo ra những bãi cát vàng rộng như các bãi tắm tự nhiên. Tục truyền, nơi đây có nàng tiên thường xuống hạ giới để vui đùa và tận hưởng dòng nước trong mát, nên được gọi là "Nam Cát Tiên".
Giữa dòng sông rộng lớn nổi lên các hòn đảo chạy dài theo con nước. Trên đảo, cây cổ thụ mọc xen với đám cỏ rộng có thể làm nơi cắm trại, đốt lửa đêm lý tưởng. Dọc ven sông, theo lộ chính về phía tay trái là toàn bộ các kiểu rừng già, hỗn giao của các loại cây gỗ quý: gõ, giáng hương, trắc, cẩm lai, gụ... Bên phải của con đường rừng là thác trời, một ghềnh thác kỳ thú nhất của Nam Cát Tiên.
Nam Cát Tiên không những có cảnh quan ngoạn mục, lại nằm trong khu vực chuyển tiếp của khí hậu miền núi và đồng bằng nên Nam Cát Tiên có một dạng khí hậu độc đáo. Cùng với địa hình có sông suối bao bọc làm cho khu rừng già vừa được giữ nguyên vẹn, vừa trở thành nơi qui tụ hầu hết các kiểu rừng đồng bằng Nam Bộ. Ðây là khu rừng nguyên sinh tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng ẩm nhiệt đới vùng thấp. Rừng có nhiều cây cổ thụ như bằng lăng, gỗ đỏ; hơn 600 loài thực vật, hơn 100 loài cây gỗ quý, hàng trăm loại cây dược liệu, hơn 60 loài hoa phong lan...
Về động vật có 240 loài chim, có những loài chim quý hiếm như trĩ lông đỏ, cò quắm xanh, tê giác một sừng, voi...
VQG Cát Tiên có thảm thực rất phong phú gồm rừng mưa rụng lá, rừng hỗn hợp tre nứa, rừng ngập nước, trảng cây bụi và gỗ rải rác. Cho đến nay, VQG đã xác định được 1610 loài thực vật thuộc 75 bộ, 162 họ, 724 chi, gồm các loại từ cây gỗ lớn, gỗ nhỏ, cây bụi, thảm tươi, dây leo, thực vật phụ sinh, ký sinh... Trong đó có nhiều cây quý, tuổi được tính bằng nhiều thế kỷ, có tên trong Sách Ðỏ; Gỗ đỏ, giáng hương, gỗ mật, cẩm xe, cẩm lai... Có những cây cổ thụ từ 300-600 tuổi thẳng đứng cao vun vút hơn 70m, gốc có tới 10 người ôm không hết. Một cây gỗ đỏ, đường kính 3,2m, có độ tuổi 1000 năm, cây bằng lăng 6 ngọn có trên 300 tuổi.
Men theo sông Đồng Nai, du khách có thể đến thăm những cánh rừng già bao la với bao loài động vật quý hiếm. Vô số các loài chim hoang dã quần tụ trên các tán cây ven sông. Hệ động vật có 77 loài thú thuộc 28 họ, 10 bộ. Chim hoang dã cũng có tới 326 loài thuộc 62 họ của 18 bộ.
Bò sát có 37 loài thuộc 18 họ của 3 bộ. Trong các loài động vật trên có nhiều loài có tên trong Sách Ðỏ Việt Nam như: Bò Ban-ten, bò Gaur, hổ, gấu, báo, chó sói, voọc chân đen, công, hạc cổ trắng, gà so cổ hung, cá sấu Xiêm... Các nhà khoa học đã chụp ảnh tê giác bằng máy tự động tại khu vực Bàu Chim, Bàu Ðắc Lớ vào ngày 17/5/1999, hiện có khoảng 7-8 cá thể cả đực và cái và con chưa trưởng thành. Ðây là loại tê giác một sừng Rhinoceros sondaicus annamticus chỉ còn ở Indonesia và Việt Nam. Chính sự phong phú, đa dạng của hệ động thực vật ở Cát Tiên đã thu hút nhiều nhà khoa học trên thế giới đến nghiên cứu và nhiều khách du lịch đến tham quan.
Vào tháng 11/1998, người ta đã phát hiện một ngôi làng cổ ở Cát Tiên niên đại cách đây hơn 1.000 năm, gồm có đền tháp và nhiều vật thờ mang nét pha trộn giữa nền văn minh Chân Lạp ở phía nam và Chămpa ở phía bắc. Trong số các cổ vật khai quật có những ngẫu tượng mà người Chăm thờ phụng là Linga-Yoni (sinh thực khí nam-nữ) có Linga cao 2,1m được xem là ngẫu tượng lớn nhất thế giới hiện nay. Ngoài ra còn có tượng thần Siva, tượng Ganesa đầu người..
Các nhà khảo cổ học mới phát hiện một đền thờ vật linh thuộc nền văn hoá Phù Nam trên đỉnh ngọn đồi A1 (xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, Lâm Ðồng) tại khu vực đầu nguồn sông Ðồng Nai. Ðó là khu đền thờ được xây bằng gạch thô, bệ, khung diềm cửa, cột trụ bằng đá xanh granit chạm trổ hoa văn, các Linga bằng vàng hoặc bằng vàng bịt bạc, một Linga - Yoni cao 2,1m, đường kính 0,7 m bằng đá xanh mài bóng, lớn nhất Ðông Nam á cùng hơn một trăm miếng vàng có khắc hoạ hình ảnh sinh hoạt thời đó: các vũ nữ, chiến binh, voi, bò, hoa sen... Ðây là công trình khảo cổ có giá trị văn hoá, lịch sử và tín ngưỡng lớn để có thể xác định được sự tồn tại, nguồn gốc của một vương quốc đã bị lãng quên hơn 1.300 năm.
Phải ở lại đêm mới cảm nhận được hết cái thú vị của rừng. Có hai địa điểm để cắm trại: một ở khu cửa rừng, và một tại trại kiểm lâm Bến Cự. Khuya, bạn có thể thuê xe đặc chủng vào rừng sâu xem thú.
Dưới ánh đèn pha, bạn sẽ thật sự bất ngờ khi chứng kiến những "chủ nhân của rừng" như hươu, nai, mễng, thỏ ung dung ra bờ suối uống nước, gặm cỏ hay đùa giỡn với nhau...Ðêm của rừng Nam Cát Tiên thật kỳ bí, thời gian như trôi chậm lại, không gian yên ắng, bạn có thể nghe cả tiếng lá khẽ rơi, và thi thoảng tiếng thú lạ hú vang trong đêm.Dưới đây, xin giới thiệu tới bạn một vài hình ảnh về đời sống thiên nhiên hoang dã trong đêm ở Cát Tiên
Lưu ý: khi hỏi thăm đường bạn nên nói rõ địa danh Vườn quốc gia Cát Tiên bởi vì ở tỉnh Lâm Đồng cũng có địa danh mang tên Cát Tiên, rất dễ bị nhầm lẫn.
Đi bằng xe khách: Bạn đế bến xe miền Đông, vào cổng bán vé số 5 hỏi mua vé xe Kim Hoàn đi Nam Cát Tiên. Xe này 1 ngày chỉ có 2 chuyến. Chuyến 7giờ30 và chuyến 1giờ, giá xe khoảng 30.000/vé đến 40.000/vé. Ưu điểm của xe là sẽ chạy thẳng đến vườn quốc gia.
Bài viết cùng danh mục:
- 0 Bình luận